Châu Phi và tương lai bất định

Bóng đá châu Phi vẫn đang đứng trước một tương lai bất định, dù tài năng của họ vẫn là rất nhiều!
Cameroon (áo xanh) trong trận thua Đức 1 - 3 tại Confederations Cup 2017 tại Nga. Ảnh: REUTERS
Cameroon (áo xanh) trong trận thua Đức 1 - 3 tại Confederations Cup 2017 tại Nga. Ảnh: REUTERS

“Vua bóng đá” Pele từng có lần tiên đoán rằng, một đội bóng đến từ Lục địa đen – từ châu Phi, sẽ sớm đăng quang ngôi vô địch World Cup, danh vị được cho là thuộc “độc quyền cuộc chơi” của các đại biểu bóng đá thuộc châu Âu và Nam Mỹ, sau khi chứng kiến màn trình diễn rất ấn tượng của bóng đá Cameroon ở một số giải đấu Vô địch thế giới hồi thập niên 1990. Tuy nhiên, với màn trình diễn mới đây của chính đội bóng này, trong tư cách là nhà đương kim vô địch châu Phi, ở Confed Cup 2017 trên đất Nga, thực tế có lẽ sẽ là… “còn rất lâu nữa”. Bóng đá châu Phi vẫn đang đứng trước một tương lai bất định, dù tài năng của họ vẫn là rất nhiều!

Với niềm cảm hứng vô bờ bến từ Roger Milla ở World Cup 1990, Cameroon lần đầu tiên khiến cho cả thế giới phải cảm thấy kinh ngạc về sự nóng bỏng và hoang dại của nền bóng đá Lục địa đen. Những chiến công như đánh bại đội tuyển Argentina của Diego Maradona với tỷ số 1-0 (khi đó, Argentina đang là nhà ĐKVĐ thế giới), đánh bại cả Rumani của những Marius Lacatus, Gheorghe Hagi với tỷ số 2-1 ở vòng bảng, và thắng Colombia của những Rene Hiutguita, Carlos Vanderrama và Freddy Rincon 2-1 ở vòng 16, trong đó có tình huống Milla trừng phạt một pha bóng vẽ vời của thủ thành Higuita khi cướp bóng trong chân anh này để rồi dứt điểm vào lưới trống, và chỉ để thua sát nút 2-3 trước tuyển Anh của những hảo thủ như là Gary Lineker, David Platt, Paul Gascoigne… làm bóng đá thế giới phải có cái nhìn khác về bóng đá châu Phi.

Kể từ đó, hầu như ở mỗi kỳ World Cup, đều có một đại biểu châu Phi ghi dấu ấn. Năm 1994 là Đại bàng xanh Nigeria, với dàn hảo thủ Jay Jay Okocha, Finidi George, Emmanuel Amunike. Năm 1998, vẫn tiếp tục là Nigeria, khi đó đã có thêm những Celestine Babayero,  Tijani Babangida, Nwankwo Kanu…

Năm 2002 là Senegal, đội bóng đã đánh bại nhà ĐKVĐ thế giới là tuyển Pháp ngay trong trận đấu mở màn, sau đó xuất sắc lọt đến tứ kết và chỉ chịu dừng bước trước Thổ Nhĩ Kỳ, đội bóng chỉ để thua mỗi mình Brazil trong suốt giải đấu. Senegal năm đó là một tập thể xuất sắc của những Papa Diop, El Hadji Diouf, Khalilou Fadiga… Đến năm 2006, đó là sự xuất hiện của Ghana với Sthephen Appiah, Sulley Muntari, Asamoah Gyan.

Đúng 4 năm sau, Ghana trình làng thêm Kevin-Prince Boateng đã lọt đến tứ kết World Cup và chỉ bị loại vì pha chơi bóng bằng tay trong vòng cấm địa của Luis Suarez. Ở kỳ World Cup gần đây nhất, cả Nigeria lẫn Algeria đều giành quyền lọt vào vòng 2, nhưng những dấu ấn trong lối chơi của họ so với các đội bóng tiền nhiệm đã không còn rực lửa như ngày xưa và việc họ bị loại ngay ở vòng đấu loại đầu tiên là điều đã được đoán trước.

Ở các giải bóng đá hàng đầu châu Âu, như Premier League, La Liga, đặc biệt là Ligue 1, người ta vẫn còn thấy có rất nhiều tài năng bóng đá đang tỏa sáng đến từ châu Phi. Nhưng khi chấp hành nghĩa vụ cho đội nhà, hoặc họ không hòa đồng cùng tập thể, hoặc kiếm cớ thoái tháo.

27 năm kể từ thành công của Cameroon, chính Cameroon ngày hôm nay trong tư cách nhà vô địch châu Phi lại cho thấy một bước lùi đáng kể vô cùng đáng tiếc. Với những gì mà Cameroon đã trình diễn trên đất  Nga mấy ngày qua, bóng đá châu Phi còn lâu mới có thể vô địch World Cup, thậm chí, việc họ lặp lại thành tích vào tứ kết như của Cameroon hồi 1990, Senegal hồi 2002, xem ra đã là thành công!

Tin cùng chuyên mục