Câu trả lời trên sân cỏ

Ngay sau buổi gặp mặt với lãnh đạo thành phố, 2 đội bóng TPHCM chưa thể cải thiện phong độ khi tiếp tục thua trận và chia nhau 2 vị trí cuối bảng trước khi đá “chung kết ngược” trên sân Thống Nhất vào ngày 20-8 tới. 
CLB Sài Gòn (trái) càng chơi càng hụt hơi ở đấu trường V-League. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
CLB Sài Gòn (trái) càng chơi càng hụt hơi ở đấu trường V-League. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Đây chính là sự thật cần phải nhìn rõ, đặc biệt là với giới chức và cầu thủ của 2 đội bóng. 

Đơn cử như chiến thắng của CLB Hà Nội trước HA.GL trên sân Hàng Đẫy hôm 14-8. Khi Quang Hải xuất ngoại, nhiều người lo rằng CLB Hà Nội sẽ suy giảm sức mạnh, nhưng thực tế cho thấy tầm ảnh hưởng của Quang Hải còn kém xa Văn Quyết, người được mệnh danh là “chiến binh Hà Nội”.

Quả bóng vàng Việt Nam 2019 vẫn tỏa sáng, là chỗ dựa cho toàn đội ở tuổi 31. Những cầu thủ như Văn Quyết, Thành Lương… chính là ngọn nguồn sức mạnh của bóng đá thủ đô. Bất kỳ nhà vô địch nào cũng cần những con người như họ. Tận tụy, trách nhiệm và trung thành với đội bóng quê hương mình. Thế nên, dù HA.GL có đạt phong độ cao, lực lượng cổ động viên đông đảo thì trong một trận đấu cụ thể, họ vẫn chưa thể tìm được chiến thắng nào trên sân của CLB Hà Nội. 

Ở buổi gặp lãnh đạo thành phố hôm 11-8, CLB TPHCM và CLB Sài Gòn cùng “kêu” khó về điều kiện cơ sở vật chất, qua đó “xin” đất để “an cư lạc nghiệp”. Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân quan trọng khiến 2 đội chơi tệ hại như hiện nay hay không?

Thực tế thì chứng minh ngược lại. Hồi năm 2016, sau khi thăng hạng V-League, đội Hà Nội B buộc phải “chuyển hộ khẩu” vào TPHCM và đổi tên thành CLB Sài Gòn để tránh xung đột lợi ích với CLB Hà Nội cùng thuộc chủ sở hữu. 4 năm đá V-League, đội bóng xa lạ với người TPHCM này luôn chơi tốt, không lo việc trụ hạng dù lực lượng không mạnh và điều kiện sân bãi chẳng tốt hơn bây giờ. 

Năm 2020, đội được chuyển cho chủ sở hữu mới là một doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và vươn lên hạng 3 mùa giải năm đó. Điều đáng chú ý là lực lượng nòng cốt vẫn là của Hà Nội B ngày nào. Tuy nhiên, sang năm 2021 thì các ông chủ mới thay đổi toàn bộ lực lượng và kể từ đó, đội bóng lao dốc về thành tích. Tính cả 2 năm 2021-2022, CLB Sài Gòn đá 23 trận nhưng để thua đến 13 trận và chỉ thắng được 5 lần. Thời điểm mà CLB Sài Gòn thi đấu tệ nhất trước đó là vào năm 2019, đá 26 trận thua 13 và thắng 9. 

Như vậy, cùng một đội bóng và hoàn cảnh tương tự nhưng thành tích giữa 2 giai đoạn lại khác nhau rất nhiều. Nguyên nhân rõ ràng đến từ việc “thay máu” lực lượng, không có con người cơ hữu và biết chơi bóng vì “màu cờ sắc áo”. Nói thẳng ra, là sai lầm về công tác quản trị nhân sự và điều này dẫn đến thành tích thi đấu không như ý dù CLB Sài Gòn đã có gần tròn 1 năm nghỉ vì dịch Covid-19 để xây dựng lực lượng.

Sân bãi hay tài chính chỉ là một trong nhiều khó khăn của bóng đá chuyên nghiệp. Đó là một dạng thử thách cho quyết tâm làm bóng đá của những ông chủ, không nên “đổ lỗi” cho nó nhất là khi tiếp nhận đội CLB Sài Gòn thì các khó khăn ấy đã tồn tại chứ không chỉ mới phát sinh. Tại sao cũng khó như vậy mà Nam Định vẫn trụ được, hoặc như HA.GL lúc đưa lứa cầu thủ U19 lên đá V-League vô cùng khó khăn mà vẫn kiên trì, chấp nhận xuống hạng để giữ được triết lý nhân sự cũng như lối chơi.

Tin cùng chuyên mục