Cầu lông nở rộ trong giới sinh viên

Từ xế chiều, ánh đèn Nhà thi đấu Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM) được bật sáng phục vụ nhu cầu tập luyện cầu lông của đông đảo sinh viên. Trở lại với giảng đường sau dịch Covid-19, nhà thi đấu trở thành điểm hẹn của những bạn trẻ đam mê với bộ môn này.

Đầu tư cho sức khỏe

Trong khu Đại học Quốc gia TPHCM hiện có khoảng 5-6 câu lạc bộ (CLB) và nhóm chơi cầu lông, chưa kể những hoạt động đơn lẻ khác. Nhưng phát triển theo khuynh hướng bài bản và căn cơ thì CLB cầu lông Bách khoa, gồm những sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM mang tính tiêu biểu nhất.

Trực tiếp đến nhà thi đấu và tận mắt thấy những tình huống cắt, bỏ nhỏ đầy tinh tế, pha bật cao đẩy cầu về góc xa, cú đánh chéo tay đầy uy lực... được các bạn trẻ thực hiện nhuần nhuyễn không kém cạnh những “gà nòi” ở các “lò” đào tạo.

Bạn Nguyễn Đoàn Anh Tuấn (Chủ nhiệm CLB) tự hào kể về “đứa con tinh thần” vừa bước sang tuổi lên 7. Ba năm đối diện với muôn vàn khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, Tuấn cùng với Ban chủ nhiệm không ngừng cố gắng để duy trì, giữ lửa “đam mê” của các bạn đồng lứa. Từ khi hoạt động trở lại, đại diện CLB đã có những cuộc trao đổi với chủ sân để có mức giá sinh hoạt phù hợp túi tiền sinh viên, đồng thời vận động các nhà tài trợ đồng hành.

Cầu lông nở rộ trong giới sinh viên ảnh 1 Một buổi sinh hoạt của CLB cầu lông sinh viên Bách khoa. Ảnh: HỮU THÀNH

“CLB có khoảng 20 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Ngoài Nhà thi đấu Đại học Bách khoa TPHCM, chúng tôi còn sinh hoạt các điểm sân ở quận 11 và Tân Phú, chủ yếu vào 2 ngày cuối tuần. Mỗi năm, CLB đón nhận nhiều câu hỏi về cách thức tham gia, sinh hoạt. Các thành viên luôn chào đón mọi người đến. Sau một thời gian theo tập, CLB đã phân chia các nhóm cùng trình độ để mọi người giao lưu với nhau không bị nhàm chán. Chúng tôi còn tích cực tổ chức các giải đấu nội bộ để cọ xát, giao lưu, tạo nên tinh thần thoải mái cho các thành viên”, Anh Tuấn chia sẻ.

Là sinh viên năm cuối Khoa Cơ khí, đối diện áp lực từ bài luận văn tốt nghiệp, chưa kể lịch làm thêm dàn trải hết tuần, nhưng Phạm Phúc Hoàng vẫn thu xếp thời gian để tối thiểu 2 buổi/tuần đến sinh hoạt với CLB. Việc duy trì thói quen này vừa giúp Hoàng thỏa đam mê chơi cầu lông, vừa rèn luyện sức khỏe, giải tỏa những căng thẳng trên ghế giảng đường lẫn áp lực cuộc sống, đồng thời mở rộng mối quan hệ.

“Ở làng đại học, tôi từng chơi bóng đá, chạy bộ, hay đến phòng tập gym. Nhưng khi chuyển sang đánh cầu lông, tôi thấy môn thể thao này phù hợp với bản thân. Chơi cầu lông đơn giản vì dễ tìm người bắt cặp đánh đơn hoặc đánh đôi, đáp ứng thể trạng của mọi lứa tuổi, rèn luyện khả năng phản xạ, sự nhanh nhẹn và nâng cao được sức khỏe và quan trọng hợp với túi tiền. Đầu tư cho môn này giống như đầu tư cho sức khỏe. Ngoài ra, đến với cầu lông còn giúp tôi giao lưu, mở rộng mối quan hệ trong học tập lẫn cuộc sống...”, Hoàng chia sẻ.

Đưa bộ môn vào chương trình giảng dạy

Từng là dân thể thao chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy tại Đại học Thể dục Thể thao (TDTT) TPHCM, giảng viên Nguyễn Võ Hoàng Phú (phụ trách TDTT Trường Đại học Văn Lang) cực kỳ khéo léo để lan tỏa tình yêu cầu lông của mình đến các học trò. Bên cạnh bóng đá trong nhà (futsal), CLB cầu lông do anh quản lý là một trong những hạt nhân trong việc thúc đẩy phong trào chơi thể thao của nhà trường.

“Thành lập đầu năm 2010, hơn 12 năm qua, CLB cầu lông của nhà trường trên đà phát triển sâu rộng về chuyên môn. Dưới sự quản lý của hội sinh viên nhà trường, CLB được vận hành bởi những sinh viên có cùng niềm đam mê với bộ môn. Chúng tôi tổ chức sinh hoạt định kỳ, rèn luyện kỹ năng, tham gia thi đấu các giải trong và ngoài trường. Với số lượng hơn 120 thành viên sinh hoạt đều đặn, CLB là sân chơi bổ ích, lành mạnh, thỏa mãn đam mê và cũng là nơi trao đổi, giao lưu, học hỏi dành cho tất cả sinh viên”, anh Hoàng Phú cho biết.

Đại học Văn Lang tích cực trong việc đưa các hoạt động TDTT vào chương trình giảng dạy, chấm điểm rèn luyện của sinh viên. Với CLB cầu lông, nhà trường tạo điều kiện trong việc bố trí cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động theo từng học kỳ, hoặc theo đề xuất của sinh viên cho hạng mục cần hỗ trợ, tổ chức sân chơi thường niên như Hội thao sinh viên, Hội thao tân sinh viên... Song song việc tìm kiếm, trường hỗ trợ và bồi dưỡng chuyên môn cho các bạn trẻ có năng khiếu tham gia các giải đấu toàn thành.

“Việc nâng cao tinh thần thể lực là một trong những hoạt động thiết thực dành cho sinh viên. Nhà trường rất vui khi thấy được nhu cầu lớn tham gia sinh hoạt môn cầu lông nói riêng và các hoạt động TDTT của các bạn. Chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các bạn sinh viên được sinh hoạt trong môi trường mở, giao lưu để có thể phát triển kỹ năng chuyên môn, rèn sự tự tin và bản lĩnh. Nhà trường mong muốn các bạn có thể tham gia các giải toàn thành, toàn quốc nhiều hơn trong thời gian tới”, Bí thư Đoàn trường Châu Thoại Vệ cho biết.

Sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng tại TPHCM không những tài năng trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo để làm giàu kiến thức của bản thân mà còn là những hạt nhân tích cực trong các phong trào TDTT. Đó là cách để “những chủ nhân tương lai của đất nước” rèn luyện bộ não minh mẫn và có một sức khỏe cường tráng.

Cách đây vài tháng, CLB cầu lông Bách khoa đã “ẵm” trọn bộ huy chương vàng, bạc và đồng tại nội dung đôi nam Hội thao Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, các thành viên trong CLB còn đạt thành tích ấn tượng tại Giải cầu lông Đại học Hutech mở rộng 2020, Đại học RMIT mở rộng 2019... Những tấm huy chương lấp lánh là kỷ niệm đáng nhớ một thời sinh viên của các bạn.

Tin cùng chuyên mục