Các tay đua Việt không ủng hộ UCI cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck”

Sau khi Liên đoàn xe đạp thế giới UCI thông qua quyết định cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck” kể từ ngày 1-4 tới, nhiều tay đua chuyên nghiệp trên toàn cầu tỏ vẻ không tán thành. Trong khi đó, phần lớn các tay đua trong nước cũng cùng đồng tình cho rằng UCI không nên cấm đối với các tay đua chuyên nghiệp.

Anh em "nhà họ Lê "nổi tiếng sử dụng “Super-tuck”. Ảnh: ĐỨC HUY
Anh em "nhà họ Lê "nổi tiếng sử dụng “Super-tuck”. Ảnh: ĐỨC HUY

Kỹ thuật “Super-tuck” trong xe đạp là động tác các tay đua áp sát thân mình xuống sườn xe để đạt được lợi thế khí động học, giảm bớt lực cản và tăng tốc độ. Kỹ thuật này thường được các tay đua sử dụng khi đổ dốc, đổ đèo nhằm tạo lợi thế.

Thế nhưng khi sử dụng kỹ thuật này, các tay đua phải có tay lái “cứng” cùng một chút mạo hiểm. Chính vì thế, nhiều tai nạn đã xảy ra do một số tay đua quá liều mình tăng thêm tốc độ khi đổ dốc. Chính vì thế, Liên đoàn xe đạp thế giới quyết định “khai tử” kỹ thuật này trong các giải xe đạp sắp tới đây.

Các tay đua Việt không ủng hộ UCI cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck” ảnh 1 Những động tác kỹ thuật “Super-tuck”

Trong các giải xe đạp Việt Nam, các tay đua chúng ta cũng thường sử dụng kỹ thuật này. Theo “thần núi” Lê Ngọc Sơn của đội Tập đoàn Lộc Trời cho biết, nếu đổ dốc bình thường thì các tay đua Việt Nam ai cũng thực hiện được. Nhưng đổ đèo tốc độ cao hơn thì chỉ có mấy tay đua đội lớn. Theo chúng tôi, những tay đua mà có kỹ thuật thuộc loại tốt nhất trong các cuộc đua trong nước phải nói đến tay đua Lê Văn Duẩn, Mai Nguyễn Hưng, Nguyễn Thành Tâm, Trịnh Đức Tâm. Còn nhớ tại SEA Games 2013, đội tuyển Việt Nam gồm 4 tay đua trên khi leo đèo đã thua Thái Lan hơn 1 phút.

Thế nhưng nhờ kỹ thuật đỗ đèo tốt, các chàng trai chúng ta đã thắng lại và mang về cho tổ quốc chiếc huy chương vàng đồng đội tính giờ 100 km trong lịch sử xe đạp Việt Nam. Ngoài ra, các tay đua như Lê Ngọc Sơn, Phan Hoàng Thái, Nguyễn Hoàng Sang… cũng là những VĐV có kỹ thuật Super-tuck khá tốt.

Các tay đua Việt không ủng hộ UCI cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck” ảnh 2 Các tay đua mạnh Việt Nam cũng hay sử dụng “Super-tuck”

Trước quyết định trên của UCI, tay đua Lê Ngọc Sơn cho biết: “Trong xe đạp, kỹ thuật cũng đóng góp một phần quan trọng. Chúng tôi ăn thua nhau là về sức khoẻ và kỹ thuật. Đồng ý là có nguy hiểm, nhưng mấy VĐV có kỹ thuật tốt thì mới dám làm như vậy. Tôi nghĩ không nên cấm “Super-tuck”, vì như thế muốn đổ đèo tách tốp, các tay đua có kỹ năng tốt về kỹ thuật này sẽ không thoát ra được”.

Còn đối với chú “Mười” Nguyễn Trường Tài (Vinama TPHCM), anh cũng không muốn UCI cấm “Super-tuck”. “Tôi thấy kỹ thuật đó cũng rất tốt, chỉ có những VĐV có bản lĩnh và kỹ thuật tốt mới dám thực hiện. Nó thể hiện đẳng cấp của một VĐV. Theo tôi thì không nên cấm đối với các VĐV chuyên nghiệp mà chỉ nên cấm ở các tay đua hạng phong trào”.

Các tay đua Việt không ủng hộ UCI cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck” ảnh 3 Tay đua Nguyễn Hoàng Sang cho rằng không nên cấm “Super-tuck”

Cùng quan điểm với Nguyễn Trường Tài, tay đua Nguyễn Hoàng Sang của Bike Life Đồng Nai cũng bày tỏ: “Tôi hiểu quyết định của UCI vì kỹ thuật này khó và quá nguy hiểm cho các VĐV không chuyên. Họ không muốn các fan bắt chước và gây nguy hiểm cho bản thân. Nhưng cá nhân tôi không đồng ý với quyết định trên đối với các tay đua chuyên nghiệp. Điển hình như các VĐV ở đẳng cấp World Tour, họ tập luyện ít nhất mấy ngàn km một tháng, cho nên tay lái họ rất vững. Bên cạnh đó, khi cấm như thế này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự hấp dẫn của cuộc đua. Người hâm mộ không còn thấy được các cuộc tấn công bất ngờ lúc đổ đèo của các hảo thủ thế giới như Peter Sagan, Vincenzo Nibali…”

Trong khi đó, đội trưởng của Domesco Đồng Tháp Nguyễn Tấn Hoài cũng không muốn cấm sử dụng kỹ thuật “Super-tuck”. Bởi tay đua đất Sen Hồng bộch bạch cho sử dụng mới thấy được kỹ thuật và trình độ VĐV. Trong thi đấu xe đạp, vốn là môn đua tốc độ thì cần một chút phiêu lưu, mạo hiểm mới thấy được bản lĩnh của các tay đua.

Hiện tại, hơn mấy trăm tay đua chuyên nghiệp trên toàn thế giới đã lên tiếng không ủng hộ lệnh cấm này của UCI. Tuy nhiên, Liên đoàn xe đạp thế giới vì sự an toàn của VĐV, họ vẫn giữ quyết định cấm sử dụng “Super-tuck” từ ngày 1-4.

Tin cùng chuyên mục