Boris Becker: Khi huyền thoại bị phá sản

Huyền thoại quần vợt người Đức Boris Beckcer, người đã làm HLV của Novak Djokovic trong một thời gian dài, từng “tiêu pha” mất 20 triệu bảng (khoảng 25 triệu EUR) chỉ vì một mối quan hệ ngoài luồng.
Đó là khi ông làm cho một người mẫu Nga có thai sau “cuộc ân ái chỉ kéo dài 5 giây” trong tủ bếp của một nhà hàng ở vào thời điểm mà vợ ông đang mang thai đứa con thứ 2. Nhưng giờ đây, khoảng tiền 20 triệu bảng ấy lại trở nên “quá nhỏ nhoi” khi ông bị Tòa án tuyên bố… phá sản.
Boris Becker: Khi huyền thoại bị phá sản ảnh 1 Boris Becker và cô vợ thứ 2, Sharlely Becker, thường được biết đến với cái tên Lilly.
 Tay vợt từng 3 lần lên ngôi ở đấu trường của Wimbledon đã bị một Tòa án ở London (Anh quốc) tuyên bố phá sản hôm 21-6, bất chấp việc ông từng kiếm đến hơn 100 triệu bảng khi còn là một tay vợt bên cạnh việc làm một BLV truyền hình. Mối quan hệ “tình một đêm” giữa ông và cô Angela Ermokova, vốn nổi tiếng với việc “ân ái” trong một tủ bếp ở Nhà hàng Nobu (London) ngay khi 2 người mới gặp nhau lần đầu tiên, đã mang lại cho ông một đứa con vào năm 1998, nhưng cũng khiến ông phải chia sẻ khoản tiền tổng cộng 2 triệu bảng để cấp dưỡng cho người mẹ và hàng tháng phải cung cấp khoản chi phí nuôi con lên đến 25 ngàn bảng. Theo The Times, cô con gái sinh ra “từ mối tình ngang trái” của Becker năm nay cũng đã trưởng thành, là một thiếu nữ 17 tuổi.
Mối tình “qua đường” đó cũng đã khiến Becker đánh mất cuộc hôn nhân của mình. Vợ của ông, bà Barbara, không thể chấp nhận sự phản bội đó, nhất là khi bà đang mang trong mình đứa con thứ 2 của ông, nên đã quyết đệ đơn ly dị, và Tòa án đã phán quyết Becker phải chia cho bà 11 triệu bảng trong tài sản của mình cộng với căn nhà của gia đình. Chính Becker, sau này đã cưới một người vợ thứ 2 tên là Lilly và có 2 cậu con trai, cũng phải thừa nhận mối quan hệ “qua đường” giữa ông và Ermokova và những thiệt hại tài chính từ cuộc tình vụng trộm ngắn ngủi đó, chính là “5 giây đắt đỏ nhất trong cuộc đời của tôi”. Trong vụ Becker bị tuyên phá sản, Ngân hàng tư nhân Arbuthnot Latham & Co đã đệ đơn lên Tòa án để yêu cầu hoàn trả “một món nợ đáng kể” mà Becker đang nợ ngân hàng này. Tuy vậy, theo Becker, người cũng dính vào một cáo buộc… trốn thuế (có vẻ, trong những ngày này, trốn thuế đang trở thành “mốt” của nhiều nhân vật thể thao nổi tiếng, từ Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Jose Mourinho đến cả Becker) ở quê nhà Đức, ông vẫn hoàn toàn có ý định trả tiền chứ không hề dự định “quỵt tiền”. Theo như Thẩm phán Christine Derrett, người thụ lý vụ Ngân hàng Arbuthnot Latham & Co kiện Becker ra Tòa án ở London và đã tuyên bố Becker phá sản sau đó, bà đang nhìn vào “một người đàn ông với dấu vết ngập đầu trong cát”, ám chỉ sự bế tắc trong năng lực hoàn trả nghĩa vụ tài chính của huyền thoại quần vợt người Đức. Thẩm phán Derrett cũng đã từ chối yêu cầu từ Luật sư của Becker, đó là cho ông thêm 28 ngày nữa để hoàn trả khoản nợ của Arbuthnot Latham & Co. Trong lúc đó, khi trần tình trên trang mạng xã hội Twitter, Becker đã bày tỏ như sau:  “Tôi hoàn toàn ngạc nhiên và thất vọng khi Ngân hàng Arbuthnot Latham & Co chọn sử dụng những thủ tục kiện cáo ra trước Tòa để chống lại tôi. Vụ  việc này liên quan đến một khoản cho vay tranh chấp mà tôi buộc phải hoàn trả đầy đủ trong khoảng thời gian là 1 tháng. Thu nhập của tôi là như thế nào vốn đã được công bố rộng rãi và rõ ràng, tôi hoàn toàn có đầy đủ năng lực để hoàn trả khoản nợ này. Giá trị của tài sản trong yêu cầu vượt quá giá trị khoản nợ của Arbuthnot Latham & Co. Tôi đã quyết định nộp đơn lên Tòa án để xin lệnh bán tài sản ngay lập tức hòng đảm bảo việc chi trả nợ nần. Trong lúc đó, tôi vẫn sẽ tập trung vào công việc hiện tại của mình, đặc biệt là nhiệm vụ làm BLV của tôi ở đấu trường Wimbledon cho BBC và những công việc bình luận quốc tế khác”. Căn biệt thự xinh đẹp của Becker ở Mallorca (Tây Ban Nha) được định giá khoảng 6 triệu EUR. Đây chính là tài sản được rao bán để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Arbuthnot Latham & Co. Trong phiên tòa, luật sư John Briggs của Becker cho biết: “Tôi không hề muốn chơi đùa ở quanh Tòa án. Đây rõ ràng là vì lợi ích của bên nguyên, bên phía Ngân hàng Arbuthnot Latham & Co, đối với việc tái cấp vốn”. Luật sư Briggs đã miêu tả việc tuyên bố Becker phá sản sẽ chẳng giúp ích được gì cho cả 2 bên và rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến hình tượng của ông. Nhưng Thẩm phán Derrett đã bác bỏ với lập luận: “Lý ra ông ta nên nghĩ đến điều đó từ một thời gian rất dài trước đó”.

Tin cùng chuyên mục