Bỗng dưng mất hút

Hơn một tháng trở lại đây, thể thao Việt Nam đón nhiều tin vui từ 2 môn thể thao có truyền thống là taekwondo và thể hình. Ở giải vô địch thể hình và fitness châu Á 2019, đoàn Việt Nam đoạt đến 19 huy chương, bao gồm 9 HCV (số lượng kỷ lục từ trước đến nay ở một giải quốc tế).

 Còn với taekwondo, trong các tháng 8, 9 vừa qua, các võ sĩ quyền Việt Nam thi đấu rất thành công ở World Cup Taekwondo 2019 và Đại hội võ thuật Chungju trên quê hương của môn võ này là Hàn Quốc.

Vui vì thành tích của 2 môn nói trên, nhưng cũng không thể không đặt câu hỏi: Thời gian qua, 2 môn này đã ở đâu trong bản đồ thể thao Việt Nam trong các cuộc tranh tài quốc tế. Hỏi như vậy là bởi taekwondo và thể hình đều nằm trong nhóm các môn “khai quốc công thần” của thể thao Việt Nam thời kỳ hội nhập. Lực sĩ Lý Đức là một trong những VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCV ở một giải đấu chính thức châu lục (giải vô địch châu Á) từ năm 1997. Thời điểm đó, thể hình Việt Nam nằm ở đẳng cấp hàng đầu thế giới với các cái tên như Lý Đức, Phạm Văn Mách. Vị thế của taekwondo có lẽ không cần phải bàn cãi. Những chiếc HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam ở Asiad thuộc về võ sĩ Trần Quang Hạ và Hồ Nhất Thống. Chiếc huy chương đầu tiên tại Olympic là của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân. Sự thăng hoa của taekwondo và thể hình khi đó kéo dài đến gần cả thập niên chứ không phải là “ăn may”.

Điều đáng nói, nhiều năm trở lại đây, 2 môn này đều không còn nằm trong nhóm thế mạnh của thể thao Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, phong trào chung hoàn toàn không bị sa sút. Thể hình và fitness vốn là môn thời thượng ở các đô thị, trong khi đó, nền võ thuật Việt Nam vẫn phát triển mạnh, rất nhiều môn võ khác xuất hiện và xây dựng được cộng đồng người tập luyện. Vậy nhưng, taekwondo và thể hình ở khía cạnh thi đấu quốc tế lại sa sút, thậm chí có cảm giác 2 môn này “biến mất” một thời gian dài. Ngay ở thời điểm hiện tại, dù đã có thành tích nổi bật, nhưng chưa thật sự khiến người hâm mộ an tâm. Ví dụ như taekwondo hiện nay chủ yếu thi đấu tốt ở môn quyền (biểu diễn), trong khi trước kia chúng ta mạnh ở nội dung đối kháng. Với thể hình, các huy chương quốc tế lại phần lớn ở lực sĩ nữ, vẫn chưa có một Phạm Văn Mách khác.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều môn thể thao có phong trào tốt nhưng lại yếu phần đỉnh cao, rất khó giải quyết trong ngày một, ngày hai. Nhưng sự “biến mất” kiểu như của taekwondo và thể hình, có lỗi không nhỏ từ vấn đề quản lý và tầm nhìn của những người có trách nhiệm. Đó là một bài học không nhỏ nhưng dường như vẫn chưa thấy ai đúc kết thành kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó, hiện nay đã thấy viễn cảnh về sự “biến mất” tương tự ở môn bơi, cầu lông… nếu những Nguyễn Thị Ánh Viên hay Nguyễn Tiến Minh giã từ sự nghiệp.

Đây là hệ quả của việc chăm chăm “tận thu” những quả ngọt mà bỏ qua các yếu tố về đào tạo và tận dụng cơ hội để đẩy mạnh tính chuyên nghiệp. Điều này dẫn đến lỗ hổng trong thế hệ kế thừa, khiến cho quá trình tìm kiếm thành tích trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian.

Tin cùng chuyên mục