Bóng đá và y học

Giới bóng đá quốc tế không khỏi bàng hoàng sau sự ra đi đột ngột của tiền vệ Cheick Tiote (Bờ Biển Ngà), 30 tuổi, người đang chơi cho CLB Bắc Kinh Enterprises (Trung Quốc).
 Năm 2015, ĐTLA không phát hiện cầu thủ Souleymane (phải) bệnh tim và vẫn ra sân nhưng năm 2016 chuyển nhượng cho Đà Nẵng thì CLB kết luận cầu thủ này bị bệnh tim.
Năm 2015, ĐTLA không phát hiện cầu thủ Souleymane (phải) bệnh tim và vẫn ra sân nhưng năm 2016 chuyển nhượng cho Đà Nẵng thì CLB kết luận cầu thủ này bị bệnh tim.
 Cựu cầu thủ Newcastle đổ gục xuống sân khi đang tập luyện. Ngay đó, anh được chuyển tới bệnh viện nhưng Tiote không qua khỏi. 
Nguyên nhân đột tử ở các trường hợp này chủ yếu do nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não, hay đôi khi người ta ghi nhận chung là đột quỵ. Dĩ nhiên đấy là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Thực tế thì bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều cầu thủ tài năng đột tử. Có thể kể ra như Naoki Matsuda (Nhật Bản), Antonio Puerta, Dani Jarque (Tây Ban Nha), Marc Vivien Foe, Patrick Ekeng (Cameroon), Miklos Feher (Hungary), Richard Butcher (Anh), Morosini (Italia)... Mới nhất, cái chết của Cheick Tiote thêm lần nữa là lời cảnh tỉnh cho giới cầu thủ, các đội bóng xem nhẹ công tác y khoa.
Bóng đá nội từng chứng kiến cái chết ngay trên sân tập hồi năm 2005 của cầu thủ Trần Nam Trung (Quân khu 4). Đây được xem là trường hợp đột tử đầu tiên của sân cỏ Việt Nam. Hồi đấy, sau “sự kiện Trần Nam Trung” đã dấy lên nhiều nỗi lo về công tác y học phục vụ bóng đá. 
Bấy giờ, ông Lê Quý Phượng – Viện phó Viện Khoa học TDTT đã cảnh báo về những nguy cơ đối với các cầu thủ nói riêng, VĐV khác nói chung. Ông Phượng cũng đặt ra 2 vấn đề sau trường hợp đột tử ấy. Đấy là trách nhiệm bác sĩ của đội bóng Quân khu 4 khi Nam Trung có tiền sử bệnh tim mạch, và tiếp theo là trách nhiệm của BTC giải. Vì trước khi thi đấu bộ phận y tế phải kiểm tra sức khỏe cầu thủ, nếu cần thì cho khám bổ sung. Điều này được quy định cụ thể trong quy chế bảo đảm y tế cho VĐV được Ủy ban TDTT ban hành từ 13-1-2005. Bởi nếu tiến hành khám, dự báo tình trạng y tế cẩn thận và kịp thời, đương nhiên Nam Trung đã không được phép vào sân tập hay thi đấu.
Bóng đá ở ta thường có thói xấu là hay làm qua quýt. Điều này lộ rõ qua việc có không ít tuyển thủ bị đội tuyển trả lại, do không đảm bảo sức khỏe nhưng về đến CLB vẫn tập luyện rồi thi đấu bình thường (!?). Nghe đến đây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, vì việc đảm bảo y tế của nhiều đội bóng còn hạn chế, nhất là khâu kiểm tra toàn diện ban đầu và ứng phó tình huống. Thật sự thì vẫn có nhiều VĐV ngày trước khi được gọi tập trung đội tuyển không có hồ sơ, xác nhận y tế; có những tuyển thủ thậm chí còn không biết mình thuộc nhóm máu nào nữa.
Bệnh của các CLB là do hụt lực lượng nên thường né đưa cầu thủ đi kiểm tra sức khoẻ, vì lo VFF cấm cầu thủ bị bệnh thi đấu. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Sỹ Hiển - Trưởng ban các ĐTQG thì: “VFF không chăm chăm vào việc loại cầu thủ. Còn trường hợp họ mắc bệnh, buộc phải loại cũng vì VFF nghĩ đến sức khỏe và tính mạng của cầu thủ”.
Từ chuyện của Cheick Tiote đến bóng đá Việt Nam, hy vọng các nhà quản lý và điều hành đừng để rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” thì khổ.

Tin cùng chuyên mục