Bóng đá Anh đau đầu với chuyển nhượng

Nếu Giải ngoại hạng Anh giàu có nhờ yếu tố giải trí, đa văn hóa, thì sau Brexit, 2 yếu tố trên sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do các ràng buộc trong chuyển nhượng cầu thủ. 
Cesc Fabregas (trái) là cầu thủ Tây Ban Nha nhưng thi đấu tại nước Anh cho CLB Arsenal từ năm 16 tuổi
Cesc Fabregas (trái) là cầu thủ Tây Ban Nha nhưng thi đấu tại nước Anh cho CLB Arsenal từ năm 16 tuổi

Các CLB Anh luôn tích cực trên thị trường chuyển nhượng quốc tế bởi họ có nhiều tiền, nhưng một phần quan trọng là họ phải thay đổi liên tục các “diễn viên” trên sân cỏ để thu hút người xem. 

Hiện có 330 cầu thủ nước ngoài đang chơi bóng cho 20 CLB ở Giải ngoại hạng, chiếm đến 65%. Đa số họ đến từ các nước trong EU, được hưởng quy chế cộng đồng chung, họ chơi bóng ở Anh mà không cần phải xin giấy phép lao động. Nhưng hậu Brexit, các thủ tục pháp lý để có giấy phép được chơi bóng ở Anh rất khắt khe, phức tạp.

Điều này buộc các CLB phải mua cầu thủ sớm hơn để kịp thủ tục đăng ký (đồng nghĩa với giá cao, cạnh tranh nhiều) chứ không chờ đến ngày cuối kỳ chuyển nhượng mới sử dụng phương pháp “tiền đè chết người” vốn là lợi thế của các CLB trong các cuộc đàm phán phút cuối cho những mục tiêu quan trọng. Minh chứng là trong ngày cuối kỳ chuyển nhượng mùa đông (31-1-2020) vừa qua, chỉ có 25 triệu bảng được chi ra, cũng tức là con số thấp nhất kể từ thời điểm năm 2010. Vào giờ cuối, tầm cỡ như đội bóng Man.United còn phải mượn tiền đạo Ighalo từ Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, theo quy định của UEFA, trong một trận đấu chỉ 5 cầu thủ bên ngoài EU được đăng ký thi đấu. Nếu trước đây, có trận Chelsea hay Man.City tung ra sân đội hình xuất phát không có cầu thủ Anh nào thì giờ đây, các cầu thủ của EU bị xếp vào danh sách ngoại binh và CLB phải tuân theo quy định 5 người/trận nói trên. Chưa nói về chuyên môn, trước mắt hình ảnh về bóng đá Anh trên truyền hình sẽ thay đổi, ảnh hưởng đến lượng người xem, đặc biệt từ châu Á, nếu ngày càng ít cầu thủ như Son Heung-min ra sân.

Doanh thu của giải Premier League là 4,6 tỷ bảng trong năm 2018, thu hút hầu hết các cầu thủ tài năng nhất của các làng bóng lớn châu Âu (cũng là của thế giới), cũng như thông qua làn sóng cầu thủ ngoại để lan tỏa hình ảnh của bóng đá Anh. Nếu bị thiếu đi một phần lực lượng các cầu thủ giỏi nhất châu Âu, Premier League chắc chắn sẽ gặp khó khăn thương lượng các hợp đồng tài trợ béo bở và bản quyền truyền hình vốn chiếm tới 40% thu nhập của các CLB. 

Nói về những ảnh hưởng của Brexit, cựu cầu thủ và hiện đang là HLV của Arsenal, ông Mikel Arteta thừa nhận: “Đúng là trước đây cầu thủ như tôi sẽ có nhiều thuận lợi, không chỉ là cơ hội được sống, làm việc mà còn ở cách đối xử giữa người với người. Nếu bạn được chào đón, được đối xử tốt thì khả năng cống hiến của bạn sẽ cao hơn. Ngược lại, khi mọi việc không thoải mái, bạn sẽ chọn cơ hội ở nơi khác”.

Tin cùng chuyên mục