Bóng chuyền tìm lại sức hút từ ngoại binh?

Giải vô địch bóng chuyền Việt Nam đã "nói không" với ngoại binh từ mùa giải 2013. Nhưng sau 10 năm, rất có thể Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam lại tính đến phương án cho phép các CLB thuê ngoại binh để tăng cường sức mạnh...
Chủ công nhập tịch Lê Kim Nhung từng chơi xuất sắc trong màu áo CLB Vietsov Petro.
Chủ công nhập tịch Lê Kim Nhung từng chơi xuất sắc trong màu áo CLB Vietsov Petro.

Khả thi hay không?

 Tại lễ ký kết với nhà tài trợ mới cho giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021, ông Lê Trí Trường - Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam cho biết sau vòng 1, các bộ phận chuyên môn và nhà quản lý sẽ làm việc cùng nhau trong hội thảo của Đại hội Liên đoàn để tìm ra những phương án giúp giải bóng chuyền hấp dẫn hơn, nâng cao hơn chuyên môn. Một trong những chia sẻ của ông Trường là Liên đoàn sẽ thảo luận nên hay không cho phép cầu thủ ngoại trở lại giải vô địch quốc gia.

Lần cuối cùng các CLB được thuê cầu thủ ngoại thi đấu giải vô địch quốc gia là năm 2012. Chắc chắn, sẽ nhiều ý kiến thảo luận về câu chuyện ngoại binh. Nếu cho phép cầu thủ ngoại trở lại và Liên đoàn có cách quản lý hữu hiệu dựa trên quyền hạn của hình, điều này rất phù hợp giúp chuyên môn giải đấu tốt hơn. Hiện tại, nhiều đội bóng chuyền đang thuộc doanh nghiệp quản lý hoặc có sự tài trợ từ các thương hiệu mạnh và không thiếu ông chủ muốn cầu thủ ngoại được trở lại. Sức ép trên là đáng kể và nhà quản lý Liên đoàn phải xem xét giải quyết.

Bóng chuyền tìm lại sức hút từ ngoại binh? ảnh 1 Chủ công Katya (15) có tên Việt Nam là Vũ Mai Ka, chơi khá hay trong màu áo Vietsov Petro.
Còn nhờ thời điểm khi bóng chuyền cho phép thuê cầu thủ ngoại, một số đội bóng chỉ hướng vào giành giật cầu thủ ngoại binh rồi đẩy giá chuyển nhượng cao không tưởng và công tác đào tạo trẻ bị ngó lơ. Điều bất cập ấy khiến nhà quản lý phải siết lại và quy định không cho phép VĐV ngoại thi đấu ban hành. Sau đó, một số đội lách luật bằng việc nhập tịch cho VĐV ngoại với trường hợp như Katya (Vũ Mai Ka), Irina (Lê Kim Nhung) hay Supachai (Đinh Hoàng Chai), Kitsada (Nguyễn Văn Đa)... Tuy nhiên, sức hút của họ không còn nhiều.

Bóng chuyền, bóng rổ ai hơn ai

Sau bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ là những môn thể thao tập thể đối kháng quanh trái bóng được nhiều người theo dõi tại Việt Nam nói riêng. Bóng chuyền lúc này có giải vô địch quốc gia là cuộc chơi chuyên môn cao nhất được nhiều người theo dõi. Tuy vậy, bóng rổ ngoài giải vô địch quốc gia còn giải chuyên nghiệp VBF có cho phép cầu thủ ngoại góp mặt. Hai môn thể thao đã có những giải đấu có cầu thủ ngoại góp mặt để đo sức hút từ khán giả.

Bóng chuyền tìm lại sức hút từ ngoại binh? ảnh 2 Phụ công Đinh Hoàng Chai (17, tức Supachai) từng khoác áo Tràng An Ninh Bình.
Tuy thế, sức hút của bóng chuyền đang có độ nhỉnh hơn. Ông Hoàng Ngọc Huấn - Chủ tịch VTVCab đã cho biết tại Lễ ký hợp đồng tài trợ giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2021 đó là đơn vị của mình sẽ xem xét để có những kế hoạch cụ thể và biết đâu trong tương lai gần một kênh truyền hình chuyên nội dung về bóng chuyền được ra mắt. Khán giả đông đảo, giải đấu có sự quan tâm nên bóng chuyền vẫn là miếng bánh kiếm lợi nhuận, quảng bá tốt thứ hai sau bóng đá riêng tại Việt Nam.

Trong trường hợp bóng chuyền có cầu thủ ngoại được trở lại, chuyện nhà thi đấu thiếu ghế ngồi rất dễ xảy ra. Về điều này, các giải bóng rổ tại Việt Nam chưa có được. Lúc này, giải bóng rổ vô địch quốc gia 2021 đã bắt đầu (diễn ra từ 2-4) tại Nha Trang nhưng hơi tiếc, tần suất thông tin giải đấu trên truyền thông là không có trong khi bóng chuyền chưa khai màn (bắt đầu từ 10-4), nhiều người đã biết sự chuẩn bị của các đội và điểm thi đấu là tại đâu.

Tin cùng chuyên mục