Bóng chuyền nữ Việt Nam: Lưu Thị Huệ chính là “phiên bản Ngọc Hoa 2.0”

Dáng dỏng cao, gầy người nhưng rất mạnh mẽ, phụ công Lưu Thị Huệ dạo gần đây được giới chuyên môn bóng chuyền đánh giá cao, thậm chí sẽ trở thành Ngọc Hoa thứ hai ở làng bóng chuyền nữ Việt Nam.
Lưu Thị Huệ (18) là phụ công triển vọng của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: THIÊN HOÀNG
Lưu Thị Huệ (18) là phụ công triển vọng của bóng chuyền nữ Việt Nam. Ảnh: THIÊN HOÀNG

Chính xác thì Huệ sinh đầu năm 1999 trong gia đình chẳng ai theo nghiệp thể thao tại Phủ Lý (Hà Nam). 13 tuổi, cô gái có chiều cao 1m84 bắt đầu khăn gói lên Hà Nội gia nhập đội bóng chuyền nữ Ngân hàng Công thương đang trong quá trình xây dựng lực lượng và tìm kiếm những tài năng trẻ.

HLV Nguyễn Thúy Oanh là người dìu dắt Lưu Thị Huệ và cô bé này tiến bộ rất nhanh về chuyên môn, cùng với đó là chiều cao. Năm 15 tuổi, Huệ được triệu tập vào đội tuyển trẻ Việt Nam, bắt đầu thể hiện phẩm chất của một tay đập cự phách với hiệu suất ghi điểm đáng nể. 

Nhiều nhà chuyên môn khẳng định phụ công Lưu Thị Huệ chính là hình ảnh của Nguyễn Thị Ngọc Hoa trong tương lai, dựa vào những phẩm chất cực tốt: bật đà và bật tấn công đều cao, cẳng tay khéo, sải tay dài, tầm với khá rộng và tiếp thu rất nhanh lối đánh hiện đại. Sở trường của cô gái này là đánh nhanh ở vị trí số 3, đối phương rất khó đeo bám và chắn kịp.

Đã đến tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu”, Lưu Thị Huệ đã kịp sưu tập được một số thành tích đáng kể như “Phụ công xuất sắc nhất” ở giải vô địch bóng chuyền trẻ Đông Nam Á 2016, “phụ công hay sắc nhất” giải bóng chuyền Đắk Lắk mở rộng 2017, cùng CLB Ngân hàng Công thương lên ngôi ở Giải VĐQG 2016, Vô địch Cúp VTV9 - Bình Điền 2016… Theo HLV Lê Văn Dũng, Lưu Thị Huệ chính là gương mặt kế thừa cho các đàn chị Phạm Thị Kim Huệ hay Nguyễn Thu Hòa sắp sửa giải nghệ.

Bóng chuyền nữ Việt Nam sau thất bại từ SEA Games 29, hai phụ công Ngọc Hoa và Kim Huệ cũng đánh tiếng giã từ đội tuyển quốc gia, cùng với đó những nhà quản lý cũng có những tính toán để trẻ hóa lực lượng của đội tuyển nữ. Trong đó, vị trí phụ công có các ứng viên Lưu Thị Huệ, Nguyễn Thị Trinh và Lê Thanh Thúy được chú ý hơn cả.

Khác với sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ, Lưu Thị Huệ giờ đây đã biết suy nghĩ chín chắn hơn, biết đặt ra mục tiêu và đích ngắm cho bản thân mình: “Ai cũng muốn mình được một lần khoác áo ĐTQG và đấy vừa là giấc mơ, lại vừa là mục tiêu của tôi. Nhưng lúc này, tôi chỉ biết cố gắng tập luyện, không chỉ vì bản thân mà còn vì những người luôn quan tâm, tin tưởng và giúp đỡ tôi vượt qua khó khăn trong sự nghiệp. Cánh cửa đội tuyển thể nào cũng sẽ mở ra chào đón người có khát vọng…”.

Tin cùng chuyên mục