Bóng chuyền nữ Philippines đau đầu vì thiếu nhân sự

Thừa nhận với báo MinadaoTimes, ông Joey Romasanta (Chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Philippines - LVPI) cho biết đội tuyển nữ quốc gia mặc dù tự tin hướng đến SEA Games 30 nhưng chưa hết canh cánh nỗi lo thiếu hụt nhiều vị trí chủ lực trong đội hình đánh chính…

Đội tuyển Philippines tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 30.
Đội tuyển Philippines tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 30.

Sau 2 tuần được đưa sang Nhật Bản tập huấn, đội tuyển nữ Philippines đã trở về nước để chuẩn bị bước vào cuộc chạy đua giành huy chương cùng 3 đội bóng mạnh của khu vực là Thái Lan (đương kim vô địch), Indonesia (á quân năm 2017) và Việt Nam (hạng 3 năm 2017).

Theo ông Peter Cayo, Giám đốc đào tạo của LVPI, các cô gái Philippins đã cải thiện đáng kể kỹ năng chuyền 1, phòng thủ, tấn công, có được tính gắn kết trong phối hợp chiến thuật trên sân. Chưa kể, việc được cọ xát cùng một số CLB tại Nhật Bản đã giúp tuyển nữ Philippines tích lũy được kinh nghiệm lâm trận.

Theo nhận định của ông Joey Romasanta, tại SEA Games 30, nữ Thái Lan vẫn là ứng cử viên số 1 cho tấm HCV khi mà đội bóng xứ chùa vàng vẫn đưa sang Philippines đội hình nhiều “hảo thủ” như Wilawan, Pleumjit, Malika, Nootsara, Onuma… Thậm chí, cả 3 đối thủ còn lại gồm chủ nhà Philippines, Việt Nam hay Indonesia khó lòng “quấy quả” được cuộc hành trình của Thái Lan đến với danh hiệu vô địch thứ 14 kể từ khi môn bóng chuyền nữ được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao khu vực năm 1977.

Thầy trò đội tuyển nữ Philippines đặt mục tiêu sẽ giành huy chương trên sân nhà.
Philippines, với bề dày truyền thống (từng 6 lần đoạt HCV, đoạt 3 HCB và 4 HCĐ) đang nỗ lực tìm lại thời hoàng kim của mình, nên đã nhận được sự đầu tư đặc biệt từ ngành thể thao Philippines vài năm trở lại đây.

“Philippines chỉ có thể cạnh tranh ngang ngửa với Indonesia và Việt Nam tại SEA Games 30 và tôi tin các cô gái Philippines sẽ giành được huy chương”, ông Joey bày tỏ.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của đội chủ nhà chính là việc họ không thể quy tụ được lực lượng mạnh nhất. Theo ông Joey, 2 VĐV Jaja Santiago và Dindin Santiago-Manabat đến thời điểm này vẫn chưa được các CLB mà họ đang khoác áo ở Giải bóng chuyền Nhật Bản cho phép trở về nước thi đấu.

Cây chuyền 2 người Mỹ gốc Philippines là Alohi Robinson-Hardy (từng chơi cho CLB BIP của Mỹ tại Cúp VTV Bình Điền 2018) chưa hoàn tất các thủ tụ để có thể khoác áo đội tuyển Philippines, tạm thời không được đưa vào danh sách đăng ký với BTC môn bóng chuyền nữ tại SEA Games 30.

Tay đập Kalei Mau (số 1) chưa hoàn tất thủ tục để thi đấu cho Philippines.
Đối với trường hợp của tay đập chủ lực Kalei Mau (từng chơi cho các đội Đại học Minnesota và Đại học Arizona, Mỹ), giới chức bóng chuyền LVPI đang nỗ lực tìm giải pháp giúp VĐV này được khoác áo đội tuyển Philippines, khi cô bị phát hiện không đủ thời gian phục vụ tối thiểu 2 năm tại giải bóng chuyền Philippines sau khi rời khỏi Liên đoàn bóng chuyền Mỹ, nên khả năng bị tước bỏ cơ hội phục vụ cho đội tuyển là rất cao. Đầu năm 2019, Kalei Mau đã có hộ chiếu Philippines.

Tạm thời, vài ngày trước khi khởi tranh môn bóng chuyền nữ, đội tuyển Philippines chỉ đăng ký với BTC danh sách gồm các gương mặt sau: Alyssa Valdez, Julia Morado, Mika Reyes, Iris Tolenada, Eya Laure, Abigail Marano, Mary Joy Baron, Maddie Madayag, Roselyn Doria, France's Molina, Aiza Pontillas, Macandili và Kathleen Arado. Vị trí VĐV thứ 14 vẫn đang để ngỏ cho chính Kalei Mau.

Tin cùng chuyên mục