Bóng chuyền kỳ vọng vào “mắt thần”

Hiệu ứng từ SEA Games 31 đang khiến nhà quản lý Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam tính đến việc trang bị hệ thống Video Challenge Eyes hỗ trợ trọng tài cho giải vô địch quốc gia năm 2022 (dự kiến diễn ra trong tháng 7), vừa để nâng tầm cho sân chơi này, vừa giúp cải thiện chất lượng của đội ngũ trọng tài.
Các camera sẽ theo sát những tình huống thi đấu của vận động viên. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Các camera sẽ theo sát những tình huống thi đấu của vận động viên. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Hạn chế tranh cãi

Hai kỳ SEA Games gần nhất (năm 2019 ở Philippines và năm 2022 ở Việt Nam) công nghệ Video Challenge Eyes (xem lại tình huống bằng hình ảnh quay chậm) được Liên đoàn Bóng chuyền châu Á yêu cầu những nhà tổ chức phải đưa vào sử dụng, không ngoài mục đích hạn chế tối đa những sai sót của các trọng tài, đồng thời giúp môn bóng chuyền dần mang dáng vẻ chuyên nghiệp hơn.

Có thể nhận thấy, khi đưa hệ thống “mắt thần” này vào sử dụng, các trọng tài đỡ vất vả hơn, đồng thời tránh được những chỉ trích nặng lời từ phía vận động viên, huấn luyện viên các đội bóng, thậm chí là từ một số khán giả quá khích. Nhà thi đấu TDTT Quảng Ninh với sức chứa 5.000 chỗ, nơi được tính là vận hành hệ thống này đầu tiên, và mang lại hiệu quả thực sự cho các trận đấu nội dung nam lẫn nữ vừa rồi tại 
SEA Games 31.

Sau những tình huống bóng gây tranh cãi (thường là các lỗi diễn ra nhanh như tay chạm lưới, cướp bóng, chân bước qua sân đối phương, bóng đi ra ngoài vạch kẻ sân…), HLV các đội bóng giờ đây chỉ cần giơ bảng đề nghị trọng tài chính xem lại hình ảnh quay chậm từ Video Challenge Eyes để xác định lỗi. Nếu đúng, đội bóng khiếu nại được hưởng 1 điểm, còn nếu sai thì dĩ nhiên bị trừ 1 điểm.

Nhờ thế, các pha bóng trở nên rõ ràng và thuyết phục hơn. Các trận đấu tại SEA Games 31 cũng vì vậy mà bớt xảy ra cãi vã giữa VĐV và các trọng tài. Công cụ hỗ trợ này trên thực tế đã làm rất tốt vai trò của mình, giống như một “tấm gương” để giúp các trọng tài điều chỉnh hành vi của mình.

Sự cần thiết của hệ thống “mắt thần” Video Challenge Eyes bắt buộc giới chức bóng chuyền Việt Nam phải tính đến một màn đột phá cho giải vô địch quốc gia của mình. Ông Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp trang thiết bị cho hệ thống này và nếu đạt được thỏa thuận, cùng việc có thêm nguồn kinh phí thì sẽ mua để lắp tại giải vô địch quốc gia 2022. Có điều, do giải vô địch quốc gia của chúng ta thường được tổ chức ở 2 điểm khác nhau, vì vậy chi phí để trang bị và vận hành không hề nhỏ. Nhưng hy vọng khi có thêm nguồn kinh phí xã hội hóa, khó khăn sẽ được giải quyết”.

Từng cùng đội tuyển nữ Việt Nam trải nghiệm hệ thống “mắt thần” kể trên tại SEA Games 2019, trên cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Nguyễn Tuấn Kiệt (hiện dẫn dắt Câu lạc bộ nữ Than Quảng Ninh) bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ bóng chuyền Việt Nam có được công nghệ này. Tôi và nhiều tuyển thủ đã được trải nghiệm thực tế sự vận hành của của hệ thống này tại SEA Games 30 và thấy rất hữu hiệu, giúp các đội bóng không bao giờ có sự nghi kỵ rằng mình bị xử ép hay không. Nếu ở Việt Nam có Video Challenge Eyes, các trọng tài sẽ làm việc hiệu quả hơn và không thể đưa ra những phán quyết sai trong các tình huống gây tranh cãi”.

Thật ra, một bộ thiết bị đầy đủ của Video Challenge Eyes có giá thành chỉ từ 40.000-50.000 USD (hơn 1 tỷ đồng), đồng thời cần thuê thêm phần mềm vận hành của nhà sản xuất (khoảng 7.000 USD/tháng), là không đắt so với cả một giải đấu vô địch quốc gia uy tín.

Nếu so với chi phí đắt đỏ khi áp dụng VAR trong bóng đá (mỗi trận đấu tiêu tốn 700.000 USD, tức hơn 16 tỷ đồng), thì “mắt thần” trong bóng chuyền rẻ hơn rất nhiều. Trong khi hiệu quả của hệ thống này thì rất rõ ràng, đã được thể hiện ngay tại SEA Games 31, trước mắt những nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam, và làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất khi chứng kiến các pha bóng được quay chậm lại để phân định đúng, sai.

Doanh nhân Đào Hữu Huyền, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, thậm chí còn cam kết sẽ đồng hành cùng liên đoàn để có thêm nguồn kinh phí trang bị hệ thống này cho giải vô địch quốc gia năm 2022 sẽ khởi tranh vào tháng 7 ở Vĩnh Phúc và Ninh Bình.

Trọng tài buộc phải trung thực

Lâu nay, trọng tài là vấn đề thực sự đối với hệ thống giải bóng chuyền vô địch quốc gia, thậm chí ở cả giải hạng A toàn quốc. Những bức xúc về cách điều hành thiếu công tâm của một số trọng tài từ các VĐV, HLV hay lãnh đạo đội bóng chất chồng theo năm.

Thế cho nên, đa số HLV trong nghề đều khẳng định rằng, nếu lắp đặt được hệ thống Video Challenge Eyes tại các trận đấu giải trong nước, những sai sót sẽ được hạn chế tối đa và chất lượng của trọng tài chắc chắn được nâng lên. Hệ thống này rất phù hợp cho xu thế phát triển của bóng chuyền hiện đại, thúc đẩy các đội bóng thi đấu biến hóa và tốc độ hơn. Rõ ràng, hệ thống sẽ hỗ trợ cho các trọng tài điều hành trận đấu tốt hơn, tạo nên cảm giác công bằng, minh bạch trên sân, góp phần giữ gìn hình ảnh và vị thế cho chính các trọng tài.

Tổ trọng tài điều hành Video Challenge Eyes tại SEA Games 31. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Năm 2014, Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB) lần đầu tiên đã đưa Video Challenge Eyes vào thử nghiệm tại giải vô địch thế giới và thu về hiệu quả đáng ngạc nhiên. Công nghệ tiên tiến này dần dần được nâng cấp qua các giải đấu quốc tế, đặc biệt là giải đấu thuộc hệ thống FIVB như World Cup 2015, giải vô địch châu Âu 2015.

Đặc biệt, chính vì hệ thống này được nâng cấp và hoàn thiện dần, trở thành phương tiện đặc biệt hữu ích tại Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) và Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản) nên tới đây, FIVB sẽ đưa vào áp dụng ở tất cả các giải thuộc hệ thống thi đấu chính thức trên thế giới của mình.

Ở góc độ là người trực tiếp trải nghiệm hệ thống Video Challenge Eyes tại SEA Games 31, HLV Trần Đình Tiền (đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam) khẳng định, đây là công nghệ rất hiệu quả, khi được xem lại các tình huống tranh cãi và cho kết quả đúng, sai thì bản thân VĐV hay HLV không cảm thấy bức xúc nữa, thoải mái tâm lý hơn khi chuẩn bị cho các tình huống tiếp theo của trận đấu.

Ông Đào Xuân Chung (phụ trách bộ môn bóng chuyền của Tổng cục Thể dục Thể thao) cũng đồng tình: “Tôi thấy rằng việc nếu có trang bị hệ thống các camera trong thi đấu giải vô địch bóng chuyền quốc gia là rất phù hợp, sẽ tránh gây tranh cãi. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống cũng cần có con người”.

Tại SEA Games 31, hệ thống Video Challenge Eyes do Liên đoàn Bóng chuyền châu Á trực tiếp lắp đặt và cử người vận hành. Trên sân sẽ lắp 16 camera theo các vị trí quy định để đảm bảo việc ghi hình tối ưu nhất. Luật quy định rất cụ thể là mỗi đội có 2 lần sử dụng Video Challenge Eyes trong 1 hiệp thi đấu và nếu việc khiếu nại sai thì mất lần. Nếu khiếu nại đúng, số lần vẫn được bảo lưu.

Tin cùng chuyên mục