Bơi đến Olympic từ ‘cửa tử’

Rikako Ikee từng đón nhận nhiều kỳ vọng sẽ làm rạng danh bơi lội Nhật Bản tại kỳ Olympic tổ chức trên sân nhà. Nhưng hiện với nữ kình ngư sinh năm 2000, việc được trở lại “đường đua xanh” đã là chiến thắng vĩ đại.
Rikako Ikee được vinh danh cho danh hiệu "VĐV xuất sắc nhất" tại ASIAD 2018. Ảnh: AFP.
Rikako Ikee được vinh danh cho danh hiệu "VĐV xuất sắc nhất" tại ASIAD 2018. Ảnh: AFP.

Thoát khỏi danh xưng “thần đồng”, Ikee vươn mình để trở thành ngôi sao hàng đầu của thể thao Nhật Bản. Nữ kình ngư xứ hoa Anh Đào ở tuổi 18 đã thống trị nội dung tự do và bơi bướm tại ASIAD 2018. Ikee đoạt 6 tấm HCV và 2 HCB, thành tích giúp cô khắc tên vào bảng vàng với tư cách nữ VĐV đầu tiên được vinh danh cho danh hiệu “VĐV xuất sắc nhất” tại một kỳ ASIAD.

Là tấm gương, thần tượng cho giới trẻ tại Nhật Bản, Ikee không khó để nhận về rất nhiều lời ca tụng từ thế hệ đi trước. Tomoaki Tasaka, cựu VĐV bơi lội nổi tiếng Nhật Bản thừa nhận cô nàng sở hữu kỹ năng tuyệt vời. Anh nói: “Ikee thích tham dự các cuộc thi và ghét thua cuộc. Nếu phá được kỷ lục nào cô ấy sẽ không dừng lại mà luôn tìm cách phá vỡ nó thêm lần nữa”. Bước đệm từ ASIAD 18 giúp Ikee nằm trong danh sách “quy hoạch” của thể thao Nhật Bản cho việc tranh chấp huy chương tại Olympic Tokyo 2020.

Nhưng khi sự nghiệp đang thịnh thì biến cố ập đến Ikee với phiếu kết quả mắc bệnh ung thư máu vào năm 2019, và dự kiến sẽ bỏ lỡ Olympic Tokyo 2020 ngay cả khi hồi phục. Tất nhiên, “trời không bao giờ tuyệt đường người”. Việc sự kiện hoãn lại 1 năm do Covid-19 đã trở thành ánh sáng cuối đường hầm cho Ikee, dù biết rằng hành trình rất gian nan.

Bơi đến Olympic từ ‘cửa tử’ ảnh 1 Ikee trên "đường đua xanh". Ảnh: AP.
Thay vì suy sụp sẽ khiến bản thân trở nên lụi tàn, Ikee luôn nghĩ về sự tích cực, hướng đến những điều tốt đẹp. Cô tự động viên, an ủi bản thân về ánh bình minh sẽ trở lại nếu vượt qua khoảng thời gian đen tối này. Nữ kinh ngư sinh năm 2000 cũng trấn an người hâm mộ bằng dòng trạng thái ngắn trên Twitter: “Tất nhiên, tôi vẫn không thể tin được điều này. Nhưng nếu được điều trị đúng cách, tôi có thể phục hồi hoàn toàn”.

Ikee đã trải qua 10 tháng điều trị ung thư máu đầy mệt mỏi với những cơn đau dữ dội, và kéo theo ảnh hưởng về mặt thể chất lẫn tinh thần. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Nhật Bản NHK đầu năm 2021, nữ kình ngư không quên được thời khắc đầy khó khăn trong cuộc đời: “Căn bệnh đã vắt kiệt sức tôi ngay cả khi vừa thức dậy. Tôi bị ốm, và cảm thấy mệt mỏi dù biết rằng, bản thân vẫn còn tồn tại trên đời”.

Với nghị lực phi thường, cuối năm 2019, Ikee khép lại chuỗi thời gian điều trị bằng giấy báo xuất viện cầm trên tay trong niềm phấn khích tột độ. Trở về từ cõi chết, nữ kình ngư được tiếp thêm sức mạnh cho việc quay trở lại “đường đua xanh”. Và đến tháng 8-2020, bằng niềm đam mê bơi mãnh liệt và trách nhiệm với nghề, cô bắt đầu tham dự các cuộc thi đấu sau gần 2 năm vắng bóng.

Bơi đến Olympic từ ‘cửa tử’ ảnh 2 Ikee đầy xơ xác trong thời gian điều trị ung thư máu. Ảnh: OLYMPIC.
Tất nhiên, ngày trở lại của Ikee chỉ còn là thân hình đầy xơ xác sau những lần xạ trị đau đớn. “Tôi chẳng còn nhận ra Ikee khi cô ấy quay trở trở lại thi đấu cách đây 1 năm. Cô ấy quá gầy, và trông cô ấy chẳng ra dáng VĐV. Tôi nghĩ Olympic Tokyo 2020 là không thể tưởng tượng được và cô ấy phải nhắm đến kỳ Olympic tổ chức Paris sau đây 3 năm”, Hayashi - đồng nghiệp của Ikee chia sẻ.

Nhưng việc đánh bại nghịch cảnh đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho Ikee. Tháng 2-2021, cô về nhì ở nội dung 50m tự do tại Giải bơi lội Nhật Bản mở rộng. Và quả ngọt đến với Ikee tại Giải bơi lội VĐQG Nhật Bản vào đầu tháng 4-2021 khi cô cán địch đầu tiên tại chung kết nội dung 100m bướm. Cô nàng sinh năm 2000 rơi lệ khi trả lời truyền thông Nhật Bản: “Tôi chưa bao giờ nghĩ bản thân có thể giành chiến thắng ở cự ly 100m. Nhưng tôi đã tự động viên với bản thân trước giải đấu rằng, mình sẽ làm được và tôi đã đạt được điều phi thường”.

Dù tại các giải đấu kiểm tra và sàng lọc VĐV để tham Olympic, Ikee không vượt qua được nội dung cá nhân, nhưng cô vẫn đủ điều kiện để được điền tên vào 2 nội dung thi tiếp sức 400m tự do và 4x100 hỗn hợp. Chuyên gia Tasaka cho biết, đội bơi tiếp sức Nhật Bản của Ikee khó có thể tranh chấp huy chương, nhưng việc xác lập kỷ lục quốc gia và lọt vào vòng chung kết hoàn toàn khả thi. “Để bơi được Olympic Tokyo 2020, đó là cả một hành trình đầy nỗ lực và không chịu đầu hàng số phận của Ikee”.

Bơi đến Olympic từ ‘cửa tử’ ảnh 3 Ikee sẽ tham dự 2 nội dung thi cùng đội tuyển bơi tiếp sức Nhật Bản tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AP

“Chỉ cần làm việc chăm chỉ, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng”, đó chính là thông điệp mà Ikee - trong ngày được nhận được tấm vé thông hành đến với Olympic Tokyo 2020 phát đi với mọi người. Dù thành tích thi đấu sắp tới có thể nào đi chăng nữa thì việc đánh bại được số phận đã là chiến công vĩ đại đến từ Ikee, là bàn đạp để chờ đợi vào sự bùng nổ của cô tại Olympic Paris sau đây 3 năm.

Tin cùng chuyên mục