Bị cấm thi đấu 16 tuần, thử thách 6 tháng, đây là cách “dân chơi” Kyrgios xử lý án phạt

ATP đưa ra án phạt cấm thi đấu 16 tuần lễ (4 tháng) dành cho “Gã dân chơi” Nick Kyrgios, vì “những cư xử xấu xí” trên sân đấu thời gian gần đây, kèm theo án phạt tiền trị giá 25 ngàn USD. Tuy vậy, tay vợt “lắm chiêu nhiều trò” người Úc này không bị cấm thi đấu ngay tức thì, mà có thời hạn 6 tháng thử thách. Trong thời hạn này, nếu anh lại vi phạm, ATP mới áp dụng án phạt.

Kyrgios phản ứng trong trận thua Khachanov
Kyrgios phản ứng trong trận thua Khachanov

Án phạt của ATP dựa vào hành động Kyrgios phản ứng quá mức với vị trọng tài Fergus Murphy ở Cincinnati Masters, trong trận anh đối đầu với “tay súng trẻ người Nga” Karen Khachanov. Sau khi bị ông Murphy phạt cảnh cáo trừ đi 1 điểm, Kyrgios đã tức tối tự rời khỏi sân đấu, vào phòng thay đồ mà không hề xin phép vị trọng tài này. Ngay trên đường bước vào phòng thay đồ, Kyrgios đã ra tay… đập nát 2 cây vợt của mình. Do không trực tiếp nhìn thấy cảnh Kyrgios đập vợt, trọng tài Murphy không thể đưa ra án phạt trực tiếp tiếp theo ngay trên sân đấu.

Tuy vậy, ngay sau trận đấu đó, ATP đã quyết định “ban tặng” cho tay vợt 24 tuổi người Australia khoản tiền phạt 113 ngàn USD. Tất nhiên, mọi chuyện cuối cùng vẫn không thể chấm dứt với án phạt tiền này. Do đây không phải là lần đầu tiên Kyrgios “quậy phá” trên sân đấu, Ủy ban kỷ luật của ATP đã cho mở một cuộc điều tra để “hệ thống lại, xác định mô hình hành vi của Kyrgios” trong suốt 12 tháng qua. Cuộc điều tra chỉ ra rằng, “Gã tiểu tử ngổ ngáo người Úc” này đã vi phạm hàng loạt điều luật, quy tắc của ATP, đó chính là “tình tiết tăng nặng”.

Do vậy, án phạt dành cho Kyrgios không chỉ là khoản tiền phạt 113 ngàn USD trước đó, mà theo đó là án phạt 25 ngàn USD và cấm thi đấu trong thời hạn 16 tuần lễ. Dù vậy, ATP vẫn khá nương tay khi kèm theo điều khoản “thử thách trong vòng 6 tháng”. Nghĩa là trong vòng 6 tháng tới, nếu Kyrgios kềm chế được bản thân mình, cả 2 án phạt cấm thi đấu và phạt tiền ở trên sẽ được bãi bỏ. Ngược lại, chúng sẽ được kích hoạt. Kyrgios đã “hân hoan” loan báo trên mạng xã hội: “Mọi người, tôi vẫn có thể thi đấu mà. Tôi chỉ trong thời hạn thử thách thôi”.

Tất nhiên, để Kyrgios kềm chế trên sân đấu, ngay chỉ trong giới hạn 1 giải đấu, vốn đã là chuyện “khó hơn lên trời”, huống chi đây là khoảng thời gian nửa năm, với cả chục giải đấu. Theo một số chuyên gia, cách dễ nhất của Kyrgios ngay vào lúc này là… tạm rời xa sân đấu một thời gian, để thật sự bình tâm, rồi sau đó, quay trở lại thật mạnh mẽ. Và thế là, anh sẽ đặt bản thân vào tình thế “hoàn toàn sạch sẽ”, hướng thiện, không chịu án phạt cấm thi đấu nào.

Không biết, có phải Kyrgios đọc được suy nghĩ của ATP và các chuyên gia hay không, mà ngay cả trước khi án phạt diễn ra, anh tuyên bố rằng, có thể anh sẽ rút lui hoàn toàn khỏi Tour đấu châu Á cuối mùa, thậm chí sẽ không thi đấu cho đến khi mùa giải 2019 khép lại, để chữa trị chấn thương vai của mình (!??). Như vậy, với Kyrgios, xem như mùa giải 2019 đã khép lại. Anh sẽ chỉ quay lại vào đầu năm sau, ở Tour đấu mùa Hè Australia tại quê nhà. Nhưng anh đã “phục thiện” chưa, án phạt có thử thách mang lại ý nghĩa gì? Đó sẽ là một câu chuyện khác.

Kyrgios đã lý giải về chấn thương và việc rút lui khỏi các giải đấu ở Shanghai, Beijing (thuộc Tour đấu châu Á): “Tôi không thể giao bóng với một tốc độ hợp lý. Ý của tôi là, không có cửa cho tôi thi đấu nếu tôi không thể giao bóng một cách thật sự. Bởi vì, những cú giao bóng của tôi là sức mạnh của tôi, là thứ chiêu thức tối thượng, cả lối chơi của tôi đều dựa trên khả năng giao bóng và đó là điều giúp tôi có được thành công trong mùa giải năm nay, khi tôi giao bóng ở khả năng tốt nhất”.

Tin cùng chuyên mục