“Bầu” Bình của Sài Gòn FC: Muốn bóng đá trở thành cầu nối phát triển kinh tế và thương mại Việt - Nhật

Ông Trần Hòa Bình, Chủ tịch của Sài Gòn FC, đội bóng vốn đang gây xôn xao giới mộ điệu bóng đá Việt Nam, khi bị đưa cầu thủ Việt Nam sang J2 League để cọ xát và học hỏi, vừa có cuộc trả lời phỏng vấn khá thú vị trên “Thời báo kinh tế Nikkei” (tờ báo kinh tế số 1 của Nhật Bản), trong đó, “bầu” Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của bóng đá nói chung, như là cầu nối phát triển kinh tế - thương mại của hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản!

"Bầu" Bình (áo trắng) và các cầu thủ ngoại binh của Sài Gòn FC ở sân Thành Long (Ảnh HT)
"Bầu" Bình (áo trắng) và các cầu thủ ngoại binh của Sài Gòn FC ở sân Thành Long (Ảnh HT)

Đây không phải là lần đầu tiên Sài Gòn FC và “bầu” Bình xuất hiện trên truyền thông Nhật Bản, và chắc chắn đây cũng không phải là lần cuối cùng. Trong những lần xuất hiện, trả lời phỏng vấn hay tâm sự với báo giới của Nhật Bản, “bầu” Bình, trong tư cách là một doanh nhân sành sỏi, đã nói rất nhiều về khía cạnh hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, khi mang Sài Gòn FC giao thoa với bóng đá Nhật Bản, qua các giải đấu thuộc hệ thống J1, J2 và thậm chí là J3.

Với “bầu” Bình, ngoài việc hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam nói chung, đặc biệt là gia tăng sức mạnh cho Đội tuyển quốc gia, thì việc giúp hai nền kinh tế Việt Nam - Nhật Bản xích lại gần nhau hơn cũng quan trọng không kém. Vậy nên, có thể xem Sài Gòn FC vừa là một đội bóng có mục tiêu, sứ mệnh riêng mình, không nằm ngoài việc hỗ trợ phát triển bóng đá Việt Nam, mà còn là “đơn vị kinh tế - thương mại” giúp các thương hiệu Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn của tờ Nikkei, ông Bình cho biết: “Tôi muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển của bóng đá Việt Nam. Chúng tôi hiện đã có học viện của riêng mình, nhưng cũng phải mất từ 5 đến 10 năm mới có thể gặt hái được thành quả. Trong khi đó, trước mắt thì, việc thi đấu, tích lũy kinh nghiệm tại J League sẽ giúp nâng tầm các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là các tuyển thủ quốc gia. Chúng tôi muốn các cầu thủ Việt Nam thấm nhuần tiêu chuẩn văn hóa Nhật Bản. Đó cũng là lý do tôi giao cho ông Masahiro Shimoda trọng trách huấn luyện đội bóng”.

“Bước tiếp theo, tôi sẽ cố gắng đưa càng nhiều cầu thủ Việt Nam sang J2 League thi đấu càng tốt. Thông qua việc hợp tác với FC Ryukyu, mỗi năm tôi sẽ gửi 2 cầu thủ hàng đầu của Việt Nam sang đây. Điều này chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ đến cho lực lượng của Sài Gòn FC tại đấu trường V League, thế nhưng trước mắt, thành tích không phải là mối ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi chính là đào tạo nguồn nhân lực. Khi sang Nhật Bản, tôi muốn các anh em cầu thủ có thể được học thêm cả về văn hóa, rèn luyện nhân cách khi trở về Việt Nam, cống hiến cho đội tuyển quê nhà"

"Hiện tại, tôi có mối quan hệ hợp tác với J2 lẫn cả J3, những nơi thích hợp để cầu thủ Việt Nam sang cọ xát và nếm trải cảm giác thi đấu trên sân. Với FC Tokyo ở J1, chúng tôi hợp tác về quản lý vận hành CLB tại Việt Nam cũng như xúc tiến thành lập Học viện đào tạo trẻ. Các cầu thủ Việt Nam có ý chí, quyết tâm và sự chăm chỉ rất cao. Với các anh em, điều họ thiếu duy nhất chỉ là cơ hội được rèn luyện cọ xát”.

Với Sài Gòn FC, việc hợp tác với các CLB bóng đá Nhật Bản cũng mang lại lợi nhuận rất lớn. “Chỉ trong ngày bán vé khai mạc của V League mùa này, với trận ra mắt của cựu tuyển thủ Nhật Bản từng tham dự World Cup Daisuke Matsui, chúng tôi bán được đến gần 14.600 vé cho khán giả. Trong khi đó, ở trận khai mạc của mùa giải trước, số vé chúng tôi bán ra chỉ đạt mức… 130 vé. Như vậy, chỉ tính trận mở màn mùa giải năm nay, doanh thu bán vé của chúng tôi đã bằng mức doanh thu bán vé của cả mùa giải năm ngoái”, “bầu” Bình tâm sự về tầm quan trọng trong việc hợp tác với bóng đá Nhật Bản, và mang các ngôi sao chuyên gia Nhật về đây.

“Bầu” Bình của Sài Gòn FC: Muốn bóng đá trở thành cầu nối phát triển kinh tế và thương mại Việt - Nhật ảnh 1 Bài phỏng vấn "bầu" Bình trên tờ Nikkei
Không chỉ như vậy, với việc hỗ trợ mang thương hiệu SCB sang J2 League, khi các biển quảng cáo của ngân hàng này đã xuất hiện trang trọng trên SVĐ Tapic Kenso Hiyagon (Okinawa) trong trận FC Ryukyu bất ngờ lật đổ “ông kẹ một thời” Jubilo Iwata, lần đầu tiên thương hiệu kinh tế - thương mại Việt Nam xuất hiện trên sóng truyền hình trực tiếp của bóng đá Nhật Bản. Điều này là rất quan trọng cho mối quan hệ song phương, khi càng ngày càng có nhiều người Việt Nam đến Nhật Bản sinh sống và làm việc, nhưng vẫn giữ được kết nối với quê nhà.

Theo ước tính, hiện tại đang có khoảng 3 ngàn người Việt đang sinh sống ở tỉnh Okinawa, còn với tỉnh Kagoshima, con số này là gấp đôi, lên đến 6 ngàn người. Đa số người Việt Nam tại Nhật Bản, khi muốn kết nối tài chính, muốn gửi tiền về quê nhà, họ cũng vẫn muốn sử dụng dịch vụ của một ngân hàng Việt Nam, để có cảm giác an tâm và thân thiện. Sự xuất hiện đúng lúc của SCB, nhờ hỗ trợ và tác động từ Sài Gòn FC, sẽ giúp giải quyết được vấn đề đó.

“Bầu” Bình nói: “Tôi muốn bóng đá trở thành cầu nối cho sự phát triển quan kệ kinh tế - thương mai giữa 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Ví dụ như là, việc xúc tiến thành lập Chi nhánh ngân hàng Okinawa tại TPHCM, hay ngược lại thành lập chi nhánh ngân hàng của Việt Nam tại tỉnh Okinawa"

"Tôi đã trải qua 23 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản. Thông qua văn hóa Nhật Bản, tôi được học và hiểu sâu sắc việc tạo dựng độ tin cậy trong các mối quan hệ và rèn luyện nhân cách con người. Ở TPHCM hiện này, các nhà hàng Nhật Bản luôn được ưa chuộng. Điều này nói lên văn hóa ẩm thực giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng có nhiều nét tương đồng. Việt Nam là thị trường tiềm năng của Nhật Bản, Nhật Bản cũng chính là thị trường tiềm năng của Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục