Bao giờ hết đầu tư nửa vời?

Vị thế của ngành TDTT trong đời sống xã hội Việt Nam khá yếu, vì vậy việc tranh thủ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ các hoạt động chuyên môn hàng năm không cao. Thành ra, rất  khó để ngành hình thành được chiến lược phát triển chuyên nghiệp. Mang tiếng là đầu tư trọng điểm cho nhóm môn quan trọng của Olympic, nhưng kỳ thực lại cho thấy thể thao Việt Nam chưa thoát hẳn khỏi tư duy thời vụ, nghiệp dư…

Thể thao Việt Nam sản sinh ra nhiều VĐV tài năng, nhưng phát triển chưa xứng tầm với kỳ vọng.
Thể thao Việt Nam sản sinh ra nhiều VĐV tài năng, nhưng phát triển chưa xứng tầm với kỳ vọng.

Lãng phí nhân tài

Liên tiếp những phát biểu mang tính phủ nhận vai trò và đóng góp của nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên từ phía lãnh đạo Tổng cục TDTT trên truyền thông khiến dư luận bức xúc, trong lúc giới làm nghề chỉ biết thở dài ngao ngán.

“Ánh Viên đã lớn tuổi” hay đại loại “Ánh Viên chỉ phù hợp với SEA Games”… được nói ra thì càng chứng minh vai trò mờ nhạt của Tổng cục TDTT trong việc xây dựng chiến lược đầu tư và gìn giữ “tài sản quốc gia” đối với VĐV đã được nhìn nhận là diện tài năng đặc biệt này. Mỗi năm tốn vài tỷ đồng (chưa tính nguồn kinh phí từ đơn vị chủ quản của Ánh Viên là thể thao Quân đội) đưa VĐV đi tập huấn ở Mỹ, rốt cuộc đổi lại cô gái vàng ấy chỉ có nhiệm vụ… gom HCV SEA Games, ngày càng rời xa mục tiêu Asiad, Olympic, thì cần làm rõ trách nhiệm của nhiều người, nhất là những nhà quản lý tầm vĩ mô ở Tổng cục TDTT trong việc làm lãng phí và thất thoát tài năng thể thao, chứ không chỉ đổ hết lỗi lên đầu HLV Đặng Anh Tuấn và học trò của mình.

Mà không chỉ trường hợp của Ánh Viên, đối với các tài năng khác như Hoàng Quý Phước, Nguyễn Diệp Phương Trâm, Lâm Quang Nhật, Trần Duy Khôi (bơi lội), Lê Tú Chinh, Quách Công Lịch, Trần Huệ Hoa, Nguyễn Trọng Hinh (điền kinh), Hà Ngọc Diễm, Nguyễn Hoàng Thương (bóng chuyền)… sự quan tâm kể cả về tinh thần lẫn vật chất của ngành TDTT cũng chưa đến nơi đến chốn, khiến khả năng phát triển của họ hoặc khựng lại, hoặc mai một theo thời gian.

Nói cách khác, khi VĐV có dấu hiệu rơi rớt thành tích, sa sút chuyên môn và không còn nằm trong mục tiêu phục vụ “bệnh thành tích” của một vài vị quan chức bộ môn và ngành TDTT nữa thì họ bị loại dần khỏi cuộc chơi, giống như kiểu bị “vắt chanh bỏ vỏ” mà người ta thường hay thấy lâu nay.

Kình ngư Ánh Viên thật tội nghiệp khi bị đổ lỗi sau những thất bại gần đây.
Nghiệp dư hưởng lương cao

Trên thực tế, các VĐV Việt Nam đều là “dân chuyên nghiệp”. Nghĩa là họ sống và làm việc hoàn toàn từ thu nhập trong thi đấu. Nhưng rời sàn đấu và đường chạy thì ngay lập tức… thất nghiệp chỉ vì không có tích lũy. Ngoài bóng đá, những trường hợp như kỳ thủ Lê Quang Liêm, tay vợt Nguyễn Tiến Minh… kiếm được tiền từ việc thi đấu chuyên nghiệp, là vô cùng hiếm hoi.

Nguồn gốc của mọi việc chính là thể thao Việt Nam vẫn đang duy trì mô hình “nuôi gà chọi” để lấy thành tích chứ chưa chú trọng phát triển thể thao từ phong trào, cộng đồng và đặc biệt là môi trường học đường.

Có một thời gian, ngân sách của nghành thể thao dồn nhiều vào các môn được xếp loại 2 ở đấu trường Olympic, đặc biệt là các môn võ. Số lượng môn thi đấu đỉnh cao của Việt Nam hiện trên dưới 50 mặc dù ở thực tế dân sinh, chỉ có vài môn là còn giữ được phong trào như bóng đá, bơi, xe đạp, bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt… Không có phong trào thì đương nhiên không thể tổ chức thi đấu quanh năm vì không tạo ra nguồn thu.

Vì “nuôi gà chọi” nên dẫn đến một vấn đề: Phải có thành tích để duy trì nguồn ngân sách. Nghĩa là các VĐV phải tham gia đủ mọi loại giải để qua đó chứng minh việc “nuôi gà chọi” là đúng. Và ngay cả việc “nuôi gà chọi” cũng hoàn toàn không có định hướng. Do đặc thù về thể chất, có một số môn thể thao chúng ta khó vươn đến tầm thế giới, nên nếu dồn ngân sách cho một số tài năng thì cũng nên chọn các môn ưu tiên sức bền, kỹ thuật cao phù hợp với tố chất nhanh lẹ của người Việt. Ví dụ như cầu lông, bóng bàn, xe đạp đường trường, futsal …

Đây là lý do mà dù tốn tiền đưa kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sang Mỹ tập huấn nhằm đột phá các thành tích quốc tế thì kình ngư này vẫn phải về thi đấu ở SEA Games, giải lứa tuổi khu vực  lẫn các giải đấu trong nước. Các nhà quản lý không dám để Ánh Viên chuyên tâm thi đấu ở những đấu trường cao cấp hơn bởi nếu thất bại, sẽ ảnh hưởng đến mô hình của họ. Thậm chí, khi kình ngư Nguyễn Huy Hoàng liên tiếp gặt hái thành công ở Asiad 2018, trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam đoạt vé dự Olympic 2020, chính nhà quản lý còn băn khoăn không biết nên tiếp tục duy trì tập huấn trong nước hay đưa Hoàng đi nước ngoài tu nghiệp (!?).

Thể thao Việt Nam vẫn phát triển chưa có tính chuyên nghiệp.
Tư duy lỗi thời

Trong khi đó, các mô hình thể thao chuyên nghiệp luôn gắn kết với cuộc sống của VĐV. Một thiếu niên chơi thể thao giỏi có thể qua đó kiếm được học bổng ở đại học. Nếu tiếp tục thi đấu tốt tại trường, có thể kiếm được một hợp đồng chuyên nghiệp, đồng nghĩa với việc “đi làm sớm” cùng tương lai ổn định. Mọi sự phát triển sẽ xoay quanh thu nhập.

Để có được một hệ thống thi đấu dựa trên tiền thưởng, thì lại cần sự năng động của các Liên đoàn thể thao. Đây là những tổ chức có cùng trách nhiệm phát triển thể thao như cơ quan quản lý nhà nước, nhưng khác về hình thức hoạt động. Một liên đoàn mạnh sẽ biết cách tạo ra nhiều giải đấu có doanh thu, tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn cho VĐV. Phong trào càng mạnh thì càng có nhiều người trả tiền để xem thi đấu. 

Nhưng ở Việt Nam hiện nay, ngay cả VFF, liên đoàn số 1 về kiếm tiền cũng luôn gặp vấn đề về bộ máy. Những cán bộ từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn luôn có xu hướng “cài cắm”, ngăn cản những tư duy cải tổ của người ngoài xã hội. Ngược lại, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là phát triển thể thao học đường theo mối quan hệ liên kết với ngành giáo dục thì lại không được chuyên tâm thực hiện.

Thiếu “Kiến trúc sư trưởng”

Năm 2019, trong vòng 9 tháng (kể từ ngày 15-3 đến ngày 15-12), có 27 HLV và 66 VĐV thuộc diện tài năng được ngành TDTT đầu tư với chế độ đãi ngộ đặc biệt, phục vụ các mục tiêu SEA Games 30 và chinh phục vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020. Tức là, các HLV và VĐV sẽ được hưởng chính sách đặc thù về chế độ dinh dưỡng, tiền công, chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng, trang thiết bị luyện tập, thi đấu để phục vụ mục tiêu đặt ra trong năm 2019.

Trước thềm Asiad 2018, trước Olympic Rio de Janeiro 2016 hay trước nhiều sự kiện thể thao tầm châu Á và Olympic nhiều thập kỷ đã qua, cách làm bao cấp, thời vụ và có tính đối phó như thế luôn là rào cản đối với hy vọng đột phá theo hướng chuyên nghiệp hoá của thể thao Việt Nam.

Giới làm nghề thường than thở “đốt đuốc tìm khắp nơi cũng không có được chiến lược gia tử tế cho ngành thể thao Việt Nam”, xuất phát từ thực tế thiếu trầm trọng một nhà hoạch định chiến lược, định hướng phát triển cho thể thao Việt Nam để không lãng phí nguồn nhân lực và kể cả ngân sách được nhà nước cấp.

Đây có thể là điều mà Bộ VH-TT đã nhìn thấy, nhưng để cách tân cả bộ máy còn ì ạch hoặc chí ít là thay một vài cá nhân thiếu tâm huyết và tầm nhìn chiến lược thật chẳng dễ dàng gì, nhất là khi tư duy làm việc lỗi thời không được thay thế bằng sự năng động và giàu tính khoa học.

Tin cùng chuyên mục