Bán kết AFF Cup 2020: Việt Nam - Thái Lan Khởi đầu cuộc đua mới

Khởi đi từ trận chung kết SEA Games 1995, nơi Việt Nam dù chịu thua với tỷ số đậm 0-4 nhưng cũng kể từ đó trở thành đối thủ lớn nhất và thách thức ngôi vị bá chủ làng cầu Đông Nam Á của Thái Lan.
Việt Nam (trái) từng đánh bại Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2008 để giành ngôi vô địch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Việt Nam (trái) từng đánh bại Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2008 để giành ngôi vô địch. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Không chỉ đã có những lần trả “món nợ” với người Thái, tiêu biểu như trận thắng 3-0 tại Tiger Cup 1998 hay chiến thắng ở chung kết AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam đã vươn lên chiếm giữ ngôi vị số 1 Đông Nam Á suốt 3 năm qua.

Như trong một cuộc đua tốc độ, người về nhất muốn nâng cao thành tích của mình thì luôn cần có những kẻ cạnh tranh ngang bằng về đẳng cấp. Cuộc đua giữa Thái Lan và Việt Nam cũng như vậy. Tại SEA Games 2017, đội Thái Lan đã khiến U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng và lịch sử cũng sang trang từ đó. HLV Park Hang-seo xuất hiện và chiến tích đầu tiên của ông chẳng đâu khác, chính là chiến thắng 2-1 trước U23 Thái Lan ở giải giao hữu trên đất Thái nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á. 

Đến năm 2019, một lần nữa HLV Park Hang-seo lại thắng ở trận đấu tại King’s Cup do Thái Lan tổ chức, cũng như chiến thắng 4-0 ở vòng loại U23 châu Á 2020. Người Thái bắt đầu cảm thấy áp lực bám đuổi mà họ từng khiến Việt Nam phải khổ sở suốt một thời gian dài trước đó. Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, hai đội gặp nhau bất phân thắng bại, nhưng chiếc vé vào vòng loại cuối cùng duy nhất của khu vực Đông Nam Á mà Việt Nam có được chắc chắn khiến Thái Lan xem như một thất bại.

Đó là lý do mà các cổ động viên Thái Lan cảm thấy phấn khích khi đội bóng của họ có dịp tái đấu với Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2020. Đó là một nỗi ám ảnh như chính các CĐV Việt Nam đã từng trải qua. Nhiều người hình dung về một trận chung kết “trong mơ”, nhưng trên thực tế, đúng theo bình luận của trang ESPN, thì bất kỳ đội bóng nào thắng trận bán kết Việt Nam - Thái Lan cũng xứng đáng giành được danh hiệu vô địch. Hay nói cách khác, đây chính là “trận chung kết sớm” của AFF Cup 2020.

Đối với các CĐV Việt Nam, đây cũng là lúc đội tuyển quốc gia thể hiện bản lĩnh của người đứng đầu. Người Thái chưa phục, bởi họ tin vào câu “phong độ chỉ nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” cho dù chặng đường thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đủ dài để khẳng định vị thế số 1 của Việt Nam. Tại AFF Cup 2020, chúng ta là nhà đương kim vô địch, nên về lý thuyết, cần phải đánh bại mọi đối thủ cản đường để bảo vệ ngôi vương. 

Nói như vậy không có nghĩa là không có bất ngờ xảy ra, nhưng chẳng có thời điểm nào tốt hơn lúc này để thầy trò HLV Park Hang-seo thể hiện bản lĩnh. Đây là trận đấu diễn ra trên sân trung gian, theo thể thức có lượt đi - lượt về để hai bên sửa chữa sai lầm, có những con người tốt nhất và những nhà cầm quân hiểu rõ về đối phương nhất.

Đội bóng nào để thua ở trận bán kết, chắc chắn sẽ chịu những áp lực rất nặng nề trong tương lai, nhưng rõ ràng, cuộc đua giữa 2 làng cầu, 2 đội tuyển Việt Nam - Thái Lan sẽ không hề kết thúc sau các trận đấu tại Singapore. Hay nói đúng hơn, đây chỉ là lúc khởi đầu cho một cuộc đua mới, điều sẽ đem đến sự tốt đẹp cho quá trình phát triển bóng đá Đông Nam Á… 

Tin cùng chuyên mục