Ai nên thay đổi?

Khi HLV Nguyễn Thành Công từ chức “thuyền trưởng” CLB Thanh Hóa, người ta xem đấy là thông điệp của lòng tự trọng, khi HLV bị can thiệp quá sâu vào công việc chuyên môn. Nhưng nói một cách công bằng, lẽ ra ông Nguyễn Thành Công không nên nhận việc cách đây 3 tháng thì sự tự trọng của ông còn đáng khen hơn.

Vì ở đâu không biết, chứ tại Thanh Hóa, HLV không hề được tôn trọng, nhất là dưới thời bầu Đệ làm chủ tịch CLB. Suốt 3 năm qua, cứ mỗi lần thay HLV là mỗi lần dư luận phải “sốc” vì cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của đội bóng xứ Thanh. Tất nhiên, biết là thế nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn Công ty VPF cũng không thể yêu cầu Thanh Hóa phải chuyên nghiệp hơn nếu đây đơn thuần chỉ là “văn hóa CLB” hoặc các vấn đề mang tính nội bộ.

Thế nên, cũng cần đặt vấn đề: Với một CLB có “truyền thống” thiếu tôn trọng HLV, đã từng bị các nhà cầm quân nổi tiếng như Lê Thụy Hải, hay cả các HLV nước ngoài phê phán, thì tại sao khi nhận lời mời, các HLV khác vẫn cứ vui vẻ ký hợp đồng. Tiền lệ đã có, biết rõ phong cách nghiệp dư, tùy hứng nơi đây thì chắc chắn cũng sẽ biết công việc của mình chẳng thể lâu dài hay có “đất dụng võ”, thế thì tham gia vào làm gì? Hoặc nếu có chấp nhận rủi ro, cũng cần ký hợp đồng chặt chẽ làm sao để tránh tình trạng bị gây khó dễ đến mức phải từ chức không đến từ lý do chuyên môn.

Trong câu chuyện 3 năm có đến 7 HLV đến - đi của Thanh Hóa dưới thời bầu Đệ, rõ ràng cũng có phần lỗi chính từ các “nạn nhân” là những HLV. Đặt ngược vấn đề, nếu các HLV giỏi có lòng tự trọng cao, thì sẽ từ chối ngay lập tức kể cả khi bầu Đệ đưa ra lời mời hấp dẫn về tài chính. Nếu làm được như vậy, Thanh Hóa sẽ không có “tướng tài”, thành tích thi đấu sẽ kém và chắc chắn người hâm mộ Thanh Hóa sẽ yêu cầu ban lãnh đạo đội bóng phải thay đổi cách thức quản trị của mình. Nói gì thì nói, bầu Đệ có quyền sa thải hay can thiệp chuyên môn, thì các HLV cũng có quyền từ chối để bảo vệ thanh danh của mình.

Mỗi khi có vấn đề gì về trọng tài, về công tác tổ chức thì các đội bóng luôn có thái độ thiếu tôn trọng với những nhà quản lý ở VFF, hay nhà điều hành Công ty VPF. Nói cách khác, họ luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp của những đơn vị này. Thế nhưng, thực tế thì ngay bản thân các thành phần khác của nền bóng đá cũng không hề có sự chuyên nghiệp.

Hồi đầu giải, có đến 4 đội không đủ tiêu chuẩn chuyên nghiệp của AFC ban hành về cơ sở vật chất, có đội không hề có quỹ lương mà vẫn cứ liều đá giải. Cầu thủ và cả HLV cũng có nhiều người nắm không rõ các luật lệ mới, nhưng vẫn cứ sẵn sàng phản ứng trọng tài. Để cho một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ, điều cần phải làm đầu tiên, đó là mọi thành phần cần phải quyết liệt “nói không” với mọi biểu hiện nghiệp dư thay vì cứ “lợi thì làm”… 

Tin cùng chuyên mục